Nhập nhằng tên gọi đối với HLV Cờ vua – Giáo viên Cờ vua– Những danh xưng chỉ có tại Việt Nam (Title for a Chess coach, Chess Tutor, Chess Teacher, Chess Instructor, National Instructor, chess expert in Viet nam) ?
HLV (Huấn luyện viên) hay giáo viên (GV) là danh từ để chỉ Thầy / Cô tham gia công tác giảng dạy, huấn luyện nói chung, thể thao nói riêng. Có phải những danh từ này là do tự phong hay có quy định rõ ràng. Quy định chuẩn giáo viên nghề nghiệp phổ thông được quy định cụ thể theo thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT và 04/2021/ TT-BGDĐT bao gồm bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về chức danh và nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo viên gồm phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng môi trường giáo dục, xây dựng mối quan hệ giữa đơn vị làm việc với cộng đồng, xã hội, và sử dụng ngoại ngữ.
Tuy nhiên, giáo viên, huấn luyện viên đối với những môn học ngoại khóa, năng khiếu sẽ đòi hỏi và yêu cần nhiều kỹ năng, trình độ đặc biệt hơn, và tuân theo quy định trong thông tư số 07/2021/ TT-BGDĐT, chứ không phải tự phong.
Cụ thể trong lĩnh vực cờ vua tại Việt Nam thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều danh từ đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, chẳng biết điều này có phải do giáo viên tự ngầm hiểu, tự nâng chuẩn của mình lên chăng hay được Liên đoàn cờ quy định rõ ràng ?
Tại Việt Nam, Liên đoàn cờ Việt Nam, Liên đoàn cờ TP.HCM đã tổ chức nhiều lớp học cho giáo viên, vận động viên chơi cờ chuyên nghiệp và nghiệp dư tham gia để nâng cao trình độ, cũng như học hỏi, cập nhật thêm những kiến thức về cờ vua, cập nhật về luật trong cờ vua và công tác trọng tài. Liên đoàn cờ vua Thế giới FIDE cũng ủy quyền cho Liên đoàn cờ Việt Nam, Liên đoàn Cờ Tp.HCM tổ chức những lớp học theo chuẩn của FIDE, để nâng cấp chuẩn giáo viên / huấn luyện viên cờ vua theo chuẩn quốc tế với những lớp đặc biệt cho nhóm Huấn luyện viên và trọng tài FIDE.
Tuy nhiên để đạt chuẩn do FIDE công nhận thì còn nhiều công đoạn, quy trình mà Liên đoàn cờ Việt Nam cần phải báo cáo, cập nhật danh sách về FIDE sau khi khóa học hoàn tất, cũng như cập nhật hàng năm, hàng tháng với Liên đoàn cờ thế giới FIDE. Và dĩ nhiên, các lớp do Liên đoàn Cờ Việt Nam, Liên Đoàn Cờ Tp.HCM tổ chức dưới sự ủy quyền và giám sát của FIDE sẽ phải tuân theo chuẩn của FIDE về nơi tổ chức học tập, Giáo viên chịu trách nhiệm tham gia giảng dạy, và nhiều yếu tố khác.
Từ đây bắt đầu hình thành và xuất hiện các tên gọi khác nhau mà đa số phụ huynh không biết được, cũng như nếu không tìm hiểu thì chẳng thể phân biệt được .
HLV Quốc tế (International Trainer) – Họ là ai ? Có khác biệt gì với HLV Quốc Gia (National Trainer)
Cái tên này ở Việt Nam được hiểu như thế nào, mà nhiều Trung tâm cờ vua, câu lạc bộ cờ vua gắn cho GV/ HLV hoặc HLV tự gắn mác này ? HLV/GV cờ vua có tham gia dạy học các bạn người nước ngoài (không nói được tiếng Việt) hoặc học viên người Việt nhưng hiện đang sinh sống ở nước ngoài (nói tiếng Việt) hoặc học viên người Việt nhưng sinh sống ở nước ngoài, hoặc học viên quốc tế trong nước (dùng ngoại ngữ), học viên người Việt trong nước (nhưng học ở các trường quốc tế, nên khả năng nói tiếng Việt không tốt).
Trong quá trình dạy cờ vua, HLV đa số sử dụng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác bên cạnh tiếng Việt. Như vậy người dạy được xem là giáo viên quốc tế, huấn luyện viên quốc tế chăng? Cái Title thật oai, khi khoác thêm chữ “Quốc tế” phía trước, và đương nhiên khi đó học phí đối với giáo viên này cũng sẽ cao hơn. Title này chỉ do GV/HLV TỰ PHONG để phân biệt với GV/HLV cờ vua thường không giảng dạy bằng ngoại ngữ chăng hay được Liên đoàn Cờ Việt Nam công nhận ?
HLV quốc tế, thuật ngữ này có từ đâu và tên tiếng Anh là gì International Chess Teacher / International Chess Coach / International Chess trainer hay International Trainer? Thông thường tại Việt Nam, HLV được gọi là Quốc tế sẽ dùng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, Hàn, Nhật hoặc ngôn ngữ khác để giảng dạy môn cờ vua, bên cạnh tiếng Việt (tiếng Mẹ đẻ), hoặc sử dụng tiếng Việt dạy cờ vua cho người nước ngoài. Vậy thử hỏi bao nhiêu HLV hiện dùng được tiếng Anh 100% để dạy các bạn nhỏ quốc tế, chắc con số đó cũng không nhiều lắm. Kể từ khi Covid, nhu cầu học cờ vua Online khá nhiều, và từ đây, không gian không còn là vấn đề khi mà nhiều Phụ Huynh người Việt ở nước ngoài đã tìm những HLV tại Việt Nam để học, vì chi phí cũng rẻ hơn, và cũng khá chất lượng, do đó, HLV Quốc tế cũng xuất hiện khá nhiều. Nhưng mức độ quốc tế tới đâu, mức học phí ra sao khi dạy Online, thì cũng còn nhiều điều phải xem xét, rẻ quá thì cũng có vấn đề, đông quá thì cũng chẳng biết ra sao. Nên Phụ Huynh bây giờ cũng là người đủ thông minh để lựa chọn nơi nào PHÙ HỢP NHẤT với mình khi thông tin trên mạng Internet bây giờ nhiễu lắm, “treo đầu dê, nhưng lại quảng cáo giá thịt chó”, rất nhiều GV/HLV dạy Online với mức học phí bèo nhèo.
Vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo viên/ HLV Quốc gia (National Trainer) cờ vua cần phải làm gì
- Cung cấp các kiến thức về cờ vua và cập nhật luật cờ vua cho học sinh
- Kích thích khả năng tự học và hướng dẫn học sinh phát triển tư duy, kỹ năng trong cờ vua
- Phân tích và khắc phục những sai lầm của học sinh
- Giúp học sinh kiểm soát cảm xúc trong quá trình chơi cờ và học hỏi từ những thất bại trên bàn cờ, ván cờ của mình
- Tạo tình huống cho học sinh khả năng sáng tạo, mạo hiểm
- Quản lý và kiểm soát nhóm học sinh tham gia lớp học.
- Giúp học sinh làm quen với phong cách chơi cờ tự tin và phối hợp đội nhóm, làm việc hiệu quả.
- Cùng học sinh thiết lập mục tiêu trong quá trình học.
- Định hướng việc học tập, lên kế hoạch tham gia thi đấu, theo sát sự tiến bộ của người học.
- Hỗ trợ tài liệu, các chương trình học tập và công cụ, phần mềm liên quan.
- Những yêu cầu khác trong quá trình tham gia giảng dạy
Vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm là vậy, nhưng hiện những HLV cờ vua sau khi có chứng chỉ HLV Quốc gia (National Trainer), thì bao nhiêu người hoàn thành được những điều trên. Ngoại trừ những GV/HLV đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, thì số còn lại bổ sung thêm chứng chỉ để là tấm giấy thông hành cho mình trong công tác giảng dạy.
HLV đời đầu (nhóm 7x trở lên) có đủ khả năng để giảng dạy các bạn nhỏ đạt chuẩn mà không quan tâm tới chứng chỉ. Nhóm thế hệ thứ 2 (8X) đa số khả năng tiếng Anh khá tốt, nên đủ khả năng giảng dạy các bạn nhỏ, Nhóm trẻ hơn (9X) sau này (nhóm HLV thế hệ thứ 3) khả năng tiếng Anh tốt hơn, nên có nhiều học trò nước ngoài hơn, nhưng kỹ năng dạy các bạn nhỏ là vấn đề lớn hiện nay, khi thiếu sự trải nghiệm đủ nhiều.
GV/HLV cờ vua Việt nam đến từ những nguồn nào:
- Vận động viên cờ vua chuyên nghiệp, vận động viên bán chuyên, vận động viên phong trào
- Sinh viên tốt nghiệp từ ĐHTDTT chuyên ngành cờ hoặc quản lý thể thao (đa phần là VĐV cờ vua chuyên nghiệp, yêu thích cờ, hoặc theo nghiệp cờ)
- SV các ngành khác hiện đang chơi cờ vua và tham gia các lớp HLV để có thể đi dạy cờ vua.
- Đối tượng khác chuyển qua
VĐV chuyên nghiệp trẻ hiện nay đa phần do có nhiều cơ hội du đấu nước ngoài nên khả năng ngoại ngữ cũng được cải thiện đáng kể, cũng tham gia công tác giảng dạy.
Thị trường cờ vua và các câu lạc bộ, trung tâm cờ vua tại Việt Nam đang mọc lên khá nhiều, phong trào cờ vua đang lên, kéo theo nhiều trung tâm nổi lên sau Covid, có phải dễ làm quá không mà nhiều Trung tâm mọc lên như nấm sau cơn mưa ?
Chứng chỉ HLV Quốc gia với môn cờ vua này cũng chỉ là tấm giấy thông hành ban đầu để HLV biết rõ vai trò, nhiệm vụ của mình làm gì, bên cạnh đó cần phải bổ sung rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế, cũng như tự rèn luyện thêm cho mình kỹ năng, tự trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức cờ để hoàn thành công việc được giao phó, cũng như hoàn thành nghĩa vụ của người được xem là HLV/GV.
HLV Quốc tế do tự đặt, tự xưng hay do 1 tổ chức, liên đoàn cờ vua thế giới đặt cho, hay liên đoàn cờ Việt nam đặt cho ?
Tại Việt Nam hiện nay chưa thống nhất, cũng như không có quy định rõ ràng nào khi nói về HLV Quốc tế, vì không có bằng cấp, chứng chỉ cụ thể nào quy định cả, mà chỉ là tên gọi ra oai.
Title này thế giới có không hay chỉ có ở Việt Nam? Liên đoàn Cờ vua thế giới FIDE KHÔNG có Title này, vậy ở Việt Nam thì sao, KHÔNG CÓ quy định hay thông tin nào nói về Title này cả, mà tự do HLV, hay Trung tâm, các câu lạc bộ tự đặt ra cho mình, và đương nhiên, Việt Nam thì thích gắn mác ngoại, có thêm chữ QUỐC TẾ, thì học phí cũng sẽ cao hơn. Còn nếu không cao hơn, e rằng chữ Quốc tế đó có phần “DỎM”
Vậy thử xem những người gắn cái mác này thực sự họ là ai, đã được Liên Đoàn Cờ Thế Giới FIDE công nhận chưa, và quan trọng hơn, Phụ Huynh có biết, hiểu gì về những tên gọi này không, biết HLV đó là Huấn luyện viên quốc tế thôi, còn quốc tế ra sao, tới đâu thì có trời mới biết, Title chỉ có tại Việt Nam.
Huấn luyện viên Quốc tế FIDE ? Title này là gì, do ai đặt cho, hay do tự phong và chỉ có trong từ điển tự chế của Việt Nam ?
Nếu cần rõ thông tin, Quý Phụ Huynh có thể tham khảo từ FIDE để rõ thông tin họ là ai, có thông tin chưa, và có được FIDE công nhận chưa, hay cũng lại tự phong (ở Việt Nam có nhiều, ngay cả nhiều Title chưa được FIDE công nhận, nhưng bản thân HLV cũng TỰ CHO MÌNH QUYỀN gắn mác TRƯỚC khi Liên đoàn cờ thế giới FIDE công nhận, mà Liên đoàn cờ Việt Nam không quản lý và khó giám sát hết. Kiểu của riêng Việt Nam, nếu soi kỹ, có khi lại bị kiện là dùng BẰNG DỎM, CHỨNG CHỈ GIẢ. Ở Việt Nam điều này cũng có và với cờ vua thì không ngoại lệ.
Not Lisenced : Nghĩa là chưa được cấp chứng chỉ, chưa có giá trị, chưa được công nhận bởi liên đoàn cờ vua Thế giới FIDE, cũng do nhiều nguyên nhân (chưa được công nhận, hết giá trị sử dụng, chưa được chấp nhận, chưa được cấp phép, chưa đóng tiền và chưa được Liên đoàn Cờ vua Việt Nam báo cáo về FIDE, hay là do nhiều yếu tố khó nói bên trong nội bộ), nhưng nhiều người đã tự phong cho mình cái quyền thay mặt FIDE để công nhận và gắn mác cho mình, thật chỉ có ở Việt Nam mình mới thấy điều này. HLV cờ vua ở Việt Nam, tại nhiều đơn vị uy tín cũng làm vậy, Quý Phụ Huynh có thể dễ dàng nhận ra khi đơn giản kiểm tra 1 vòng các website của Trung tâm cờ vua tại Việt Nam công bố và vào website của FIDE để biết ai với ai.
Một số trang web uy tín, trung tâm cờ vua được cho là có uy tín của Việt Nam, cũng tự cho mình cái quyền tự phong tặng, phong cấp cho HLV của mình, và gắn lên mình những Title “rất kêu” là thế.
Với những HLV tham gia các lớp huấn luyện viên, trọng tài quốc tế do FIDE tổ chức, hay FIDE ủy quyền cho Liên đoàn cờ Việt nam, Liên đoàn Cờ Tp.HCM tổ chức thì sao, họ gắn Title thế nào và có phân biệt gì không ?
Kể từ khi tham gia các lớp học theo chuẩn FIDE, HLV được khoác lên mình thêm cái TITLE HLV FIDE, vậy Huấn luyện viên Quốc tế FIDE là tương ứng với Level nào theo quy định trình độ và cấp chứng chỉ của FIDE ?
Phụ Huynh đôi khi cũng muốn biết, nhưng theo tìm hiểu của tác giả thì không có cái Title HLV Quốc Tế FIDE (Danh xưng thật mơ hồ và không rõ ràng trong hệ thống công nhận và chính thống của FIDE). Ai tìm hiểu kỹ thì biết Level đó ra sao, Phụ Huynh bây giờ cũng ít quan tâm và đôi khi chỉ nghe nói thế này, nghe quảng cáo thế nọ, chứ thực sự cũng không hiểu lắm về chuyên môn, nên đôi khi chẳng biết HLV Quốc Tế FIDE là gì ? Liệu quý Phụ Huynh có quan tâm HLV Quốc tế hay HLV Quốc tế FIDE khác nhau điều gì, Liệu học phí có cao hơn khi gắn chữ HLV Quốc tế hay HLV Quốc tế FIDE ? Chỉ có Việt Nam mới thấy điều lạ lùng này ?
Vậy chúng ta cùng tìm hiểu, HLV Quốc tế FIDE , HLV FIDE là Title gì, được FIDE công nhận ra sao, có trong bảng danh sách FIDE cấp chứng nhận hay không ?
Theo cấp độ, FIDE chỉ công nhận các cấp độ sau theo thứ tự tăng dần,
DI (Developmental Instructor) , (LEVEL 1- Thấp nhất)
NI (National Instructor), (LEVEL 2)
FI (FIDE Instructor) (LEVEL 3) và
FT (FIDE TRAINER). *LEVEL 4 – Cao nhất trong hệ thống học và cấp chứng chỉ của FIDE)
FST (FIDE Senior TRAINER) (LEVEL 5)
Vậy Huấn luyện viên quốc tế FIDE, HLV FIDE nằm ở đâu trong những Level này, Quý Phụ Huynh có biết không hay tất cả đều như nhau ?
Hình như có gì đó sai sai, chỉ có Việt Nam mới không phân biệt. và nhập nhằng điều này. Thông thường người tham gia các khóa học tại Việt nam theo chuẩn FIDE ủy quyền và cho phép, thông thường sẽ được cấp chứng nhận như DI, NI, FI, ít khi được cấp chứng chỉ FT, phần vì do trình độ ngoại ngữ, lực cờ, khả năng đóng góp vào lĩnh vực cờ, cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực cờ còn ít, hoặc do nhiều điều kiện khác mà không đủ chuẩn để cấp FT . Vậy thì đánh đồng các Title đều là HLV Quốc tế FIDE hay HLV FIDE ? Xin thưa, có 1 sự khác biệt đáng kể và vì sao FIDE Trainer và FIDE Senior Trainer (FST) được xem là hàng hiếm trong lĩnh vực cờ vua.
Tham gia học lớp FIDE ở Việt nam cũng khá khó, nhưng đôi khi còn có trợ giảng tiếng Việt theo cùng trong suốt quá trình học, và có nhiều điều kiện linh hoạt,thoải mái hơn. Nhưng khi tham gia các lớp học do FIDE đào tạo chính thức tại các quốc gia khác hay Online thì khá khó, khả năng ngôn ngữ để tiếp thu bài là 1 phần (thường thì người Việt nam khi tham gia khóa học do FIDE tổ chức, hay ủy quyền trong các Seminar sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn bằng tiếng Anh), phần còn lại là khả năng cạnh tranh với nhóm các HLV đến từ các nước là không nhỏ. Chính vì vậy FIDE Trainer do FIDE cấp cho những HLV đủ trình độ trong mỗi lớp học là rất ít. Quý Phụ Huynh có thể xem những lớp học từ trước tới giờ do FIDE tổ chức, số lượng FIDE Trainer được công nhận khá ít, tỷ lệ đạt FIDE Trainer cho từng lớp vào khoảng 2-8%.
Với Title FIDE Trainer ở trên thế giới luôn được trọng vọng, với mức học phí tương xứng luôn cao hơn so với nhóm còn lại, học phí trung bình cho FIDE Trainer trên thế giới hiện tại từ 40-120 USD/giờ. Hiện tính tới thời điểm này 8/11/2023, level FST (cũng giống như Professor in Chess) tại Việt Nam chỉ có duy nhất GM Lê Quang Liêm (trên toàn thế giới tính tới thời điểm hiện tại cũng chỉ có khoảng 100 FST), trong khi đó, FIDE Trainer (Fide Trainer, giống như Ph.D in Chess) tại Việt Nam đã được cấp licensed cũng thuộc vào hàng hiếm. FIDE Trainer ngoài quá trình cống hiến thời gian dài cho cờ vua, HLV đó phải đào tạo ra được học sinh có thành tích quốc tế, khu vực, đạt chuẩn ít nhất là FM, có công trình nghiên cứu liên quan tới cờ vua, và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lớp học do FIDE tổ chức, có lực cờ FIDE ELO từ 2300 trở lên, cũng như đạt kết quả và thành tích tốt với bài đánh giá năng lực sau khi tham gia lớp học của FIDE.
Và những tiêu chuẩn để có được DI, NI, FI và FT do Liên đoàn cờ thế giới FIDE chứng nhận không phải tự nhiên có, cũng phải học, cũng phải đóng góp cho cộng đồng cờ vua, cũng phải có lực cờ nhất định tương ứng, và đặc biệt là KHÔNG thể “đi cửa sau”.
Rất nhiều Quý Phụ Huynh cũng đang lầm tưởng và chưa có thông tin, cứ tìm Giáo viên có Title FIDE Master (FM), National Master (NM), International Master (IM) để dạy con mình. Tuy nhiên, có điều rõ ràng rằng, hầu hết HLV lâu năm có kinh nghiệm ở Việt nam đều có đủ khả năng dạy các bạn nhỏ để đạt tới trình độ mong muốn. Đặc biệt những HLV được FIDE công nhận theo từng level rõ ràng và đạt chuẩn trước khi FIDE cấp chứng chỉ (tiêu chuẩn cấp chứng chỉ của FIDE cho từng Level đã cho thấy HLV đó đạt được những chuẩn gì). Tuy nhiên, Vận động viên có Title chưa chắc đã làm được chuyện này, có sự khác biệt rất rõ giữa Professional Chess Players (những VĐV đã đạt trình độ nhất định và có Title) vs. Chess Trainer / Coach (Giáo viên/HLV Cờ vua). Chess Trainer/Coach/Expert theo chuẩn quy định của FIDE với các LEVEL từ 1- 4 có đủ khả năng và đủ trình độ để dạy các bạn nhỏ, tuy nhiên VĐV chuyên nghiệp thì chưa chắc. Do đó, HLV giỏi là người có khả năng tìm ra được điểm mạnh, điểm yếu của VĐV, giúp VĐV đi đúng hướng, chứ không phải chỉ liên quan tới kiến thức cờ. Vì kiến thức cờ là 1 phần, bên cạnh đó còn nhiều kỹ năng, kiến thức mà các bạn nhỏ cần phải học. Chính vì vậy mà vì sao vua cờ Magnus Carlsen vẫn luôn phải cần có huấn luyện viên theo Anh để hỗ trợ, vậy HLV đâu phải lả người chơi giỏi hơn Anh.
Do đó Quý Phụ Huynh cần lưu ý thật rõ để biết mình CẦN GÌ, MUỐN GÌ đối với Huấn Luyện Viên, cũng như muốn Con mình học được gì từ Cờ vua, và cần tìm hiểu tiêu chuẩn cho từng LEVEL do FIDE cấp chứng chỉ sẽ phải đạt những điều gì.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và mang tính thời điểm, sau khi xem 1 loạt các website về trung tâm cờ tại Việt Nam, cũng như thấy nhiều sai xót trong hệ thống chứng chỉ, bằng cấp, và sự méo mó trong tên gọi của huấn luyện viên.
Mong lắm một sự chính thống và rõ ràng, cũng như cung cấp góc nhìn rõ hơn và cụ thể hơn, để các HLV có chứng chỉ rõ ràng, được công nhận, được trọng vọng hơn, khác biệt và phân biệt hơn, cũng như có mức lương phù hợp khi tham gia công tác giảng dạy, đào tạo tại các đơn vị có hoạt động trong lĩnh vực cờ vua.
Trần Anh Quang
FIDE Trainer
KidsCre8tive Chess Academy
HCMC, 08/11/2023
Dưới đây là 1 vài tiêu chí cho từng LELVEL do liên đoàn cờ vua thế giới FIDE xem xét và kiểm tra khi cấp chứng chỉ HLV theo chuẩn FIDE.
Note that the overall guidance as to award of title will be based on the work being done as stated in the regulations given in the FIDE Handbook as follows (handbook.fide.com/chapter/B072023)
- Developmental Instructor (DI)
This license is given to trainers who bring the love of the game to children and adults starting out in chess and have the ability to teach the first steps in chess and then bring him or her to the level of participation in a FIDE rated tournament. Typically, teaching players rated up to 1200.
- National Instructor (NI)
This license is given to trainers who can grow his or her talent to be able to successfully participate in national and international cadet and regional youth championships. Typically, teaching players rated from 1201 to 1700.
- FIDE Instructor (FI)
This license is given to trainers who have the ability and knowledge to improve a student’s foundation and successfully compete in national, regional and international cadet and youth championships. Typically, training players rated from 1701 to 2200.
- FIDE Trainer (FT)
This license is given to trainers who played at a professional level and who also have the ability, knowledge and skills to help a student at international competitions in pursuit of title norms, and championships. Typically, training players over 2200.
FIDE Senior Trainer (FST)
The FIDE Senior Trainer Title is a title given for distinct service to chess over a long period of time and will include all the men and women World Champions. If the main work is that of a trainer, there must be a minimum of 10 years at a high level.
……………..
Một vài ví dụ về Kết quả công bố sau khi dự lớp học theo chuẩn FIDE tại FIDE.com
Results of the FIDE Trainer Seminar for Spanish Americas, 2-4 April 2021 – FIDE Trainers’ Commission
Quý Phụ Huynh có thể tìm hiểu thêm về Quy định liên quan tới vai trò và nhiệm vụ của Giáo viên tiểu học, trung học phổ thông và
Một vài quy định, thông tư về nhiệm vụ, vai trò của giáo viên cấp tiểu học, trung học phổ thông và giáo viên năng khiếu thể dục thể thao theo các thông tư số 20/2018, 04/2021 và 07/2021/TT-BGDĐT
Quy định này áp dụng đối với giáo viên trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Giáo viên tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; Cơ sở giáo dục phổ thông đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và của ngành Giáo dục; Cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; lựa chọn, sử dụng đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm 05 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí, cụ thể:
Tiêu chuẩn “Phẩm chất nhà giáo” với 2 tiêu chí, yêu cầu giáo viên tuân thủ các quy định và rèn luyện về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo.
Tiêu chuẩn “Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ”, yêu cầu giáo viên nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; Thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tiêu chuẩn này gồm 5 tiêu chí yêu cầu giáo viên: Phát triển chuyên môn bản thân; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Tư vấn và hỗ trợ học sinh.
Tiêu chuẩn “Xây dựng môi trường giáo dục” gồm 3 tiêu chí, yêu cầu giáo viên thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.
Tiêu chuẩn “Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội” yêu cầu giáo viên tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tiêu chuẩn này gồm 3 tiêu chí cụ thể, đó là: Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Tiêu chuẩn cuối cùng “Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục” được đánh giá với 2 tiêu chí: Biết sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc và ứng dụng công nghệ thông tin; Khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục
Thông tin bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau như Fide.com, FB LiemLe, Các trang web cờ vua của Viet Nam như vietnamchess.vn, các thông tư-quy định của Bộ Giáo dục và thông tin trên mạng Internet từ nhiều nguồn khác.