Chia sẻ là một dạng cảm xúc cực kỳ cần thiết trong cuộc sống, là một đức tính cần được học và rèn luyện từ nhỏ. Vì vậy, bố mẹ cần dạy trẻ biết cách chia sẻ ngay từ khi con nhỏ, để hỗ trợ cho quá trình học tập, làm việc nhóm và cuộc sống của con sau này.
Đề mục:
Vì sao cần dạy trẻ biết cách chia sẻ?
Khi trẻ biết cách chia sẻ, đồng nghĩa với việc trẻ sẽ biết về cách thỏa hiệp và công bằng. Cách chia sẻ giúp trẻ học được rằng nếu trẻ biết cho đi thì sẽ nhận lại được theo một cách và dưới hình thức nào đó mà chúng ta không ngờ tới được, thứ mình nhận lại có thể là vật chất, là niềm hạnh phúc, là cơ hội. Mặc dù nhận lại không phải là mục đích của việc chia sẻ, nhưng đó là quy luật của cuộc sống.
Ngoài ra khi học cách chia sẻ, trẻ cũng học được cách đàm phán và làm thế nào để đối phó với sự thất vọng. Đây đều là những kỹ năng sống rất quan trọng. Chúng giúp trẻ dần hình thành lòng bao dung đối với cộng đồng khi lớn dần.
Bí quyết dạy trẻ cách chia sẻ
Cho đi là nhận lại
Ở trẻ luôn có mong muốn được nhận nhiều thứ mặc dù chúng không hề cho đi. Hãy đảm bảo rằng trẻ hiểu rằng bạn của bé cũng sẵn sàng chia sẻ đồ chơi nếu bé chơi chung với bạn. Giải thích rằng điều này có nghĩa là mọi người có thể cùng chơi nhiều đồ chơi mới mỗi ngày.
Khi trẻ còn ở độ tuổi nhỏ, những điều như vậy có thể khó tiếp thu với trẻ. Bố mẹ nên dạy cho con bằng hành động thực tế, trẻ sẽ bắt chước hành động và cách ứng xử của người lớn, dần dần hình thành thói quen chia sẻ với mọi người.
Dạy trẻ sự từ bỏ không phải là vĩnh viễn
Hãy chắc chắn rằng trẻ hiểu chia sẻ chỉ là tạm thời. Chia sẻ là cho phép một người bạn mượn đồ của mình. Nó chỉ kéo dài trong lúc chơi, và sau đó món đồ chơi sẽ quay trở lại thuộc sở hữu của con bạn. Chia sẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu trẻ hiểu là chúng không hề từ bỏ những gì thuộc về chúng vĩnh viễn.
Khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc để dạy trẻ cách chia sẻ
Bố mẹ đừng giới hạn việc chia sẻ ở mỗi đồ ăn, đồ chơi… ở những thứ đồ vật có thể cầm nắm được. Cảm xúc cũng là điều trẻ cần học cách “chia sẻ”, nghĩa là cách thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình với mọi người. Ví dụ khi trẻ không thích điều gì, bố mẹ cần khuyến khích trẻ nói ra thay vì bộc lộ qua những hành động giận dỗi, cáu gắt.
Khi con lớn lên một chút, hãy dạy con cách suy xét mọi việc từ góc độ của người khác, đó cũng là cách giúp con kiềm chế, kiểm soát và thể hiện tình cảm đúng mực hơn. Bố mẹ có thể nói: “Con nghĩ em sẽ thấy thế nào nếu không được con cho chơi cùng?” hoặc “Nếu bạn không cho con mượn ôtô điều khiển từ xa để chơi một lúc thì con nghĩ sao?”.
Không phạt trẻ vì không biết cách chia sẻ
Bố mẹ thường sẽ rất lúng túng khi con giật lấy đồ chơi của bạn hoặc vứt đồ chơi lung tung vì cáu giận, không muốn chia sẻ đồ chơi cùng bạn hay không hiểu được tại sao phải chờ đến lượt mới được chơi. Khi gặp phải tình huống này, nhiều bố mẹ thường mắng con, điều đó có thể khiến con tổn thương vì con không biết cách chia sẻ như thế nào.
Trẻ vẫn còn quá nhỏ để suy nghĩ cẩn thận mà không tỏ ra ương ngạnh do không muốn chia sẻ đồ vật nào đó với người khác. Khi đó bố mẹ cần chia sẻ với con về ý nghĩa của cách chia sẻ, nếu trẻ không chịu tiếp nhận lời giải thích đơn giản rằng chia sẻ đồ chơi cho bạn là hành động bình thường để cùng chơi, cùng vui với bạn thì bố mẹ cần đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ để giúp trẻ bình tĩnh hơn, thoát khỏi tâm trạng tức giận, oan ức hiện tại.
Chờ khi trẻ bình tĩnh hơn, bố mẹ lựa lời cho chúng biết bạn đã thất vọng, buồn bã thế nào khi chúng không cho bạn chơi đồ chơi cùng, nhấn mạnh rằng chắc người bạn đó cũng thấy buồn bã như vậy. Tuy nhiên, đừng biến cuộc trò chuyện này thành một sự xung đột giữa bố mẹ và trẻ. Khi lớn lên, trẻ sẽ học được rằng chơi một mình thì rất nhàm chán, buồn bã nên cần giao tiếp và biết cách chia sẻ cùng mọi người.
Cho phép trẻ có đồ chơi riêng, không ép trẻ chia sẻ tất cả
Mỗi người đều có món đồ chơi yêu thích và không muốn chia sẻ. Vì vậy, bố mẹ cũng không thể bắt con hoàn toàn theo ý mình. Bố mẹ không thể dùng uy quyền để bắt trẻ phải mang những món đồ chúng coi như tài sản quý giá ra để chia sẻ cho bạn bè, anh chị em ruột, thậm chí là những người hoàn toàn xa lạ.
Bố mẹ nên trao cho con quyền kiểm soát bằng cách để con chọn ra một vài món đồ yêu thích nhất và cất đi. Đồng thời thỏa thuận về những món đồ con có thể thoải mái để bạn chơi cùng như bàn cá ngựa, quả bóng, bảng vẽ… Nếu bạn định tổ chức một ngày vui chơi cho con tại nhà thì bố mẹ nên gợi ý các bạn của con mang đồ chơi đến góp cùng. Như thế con bạn không phải người duy nhất chia sẻ món đồ chơi của mình, chúng sẽ thấy công bằng hơn. Trẻ sẽ học được cách chia sẻ dễ dàng hơn khi nhận được sự chia sẻ từ mọi người.
Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho quý phụ huynh, thầy cô và các bạn nhỏ.
Trung tâm Cờ Vua KidsCre8tive
Hoàn thiện Nhân cách – Phát triển Tư duy
221 Thích Quảng Đức, P4, Phú Nhuận
M: 0886002680 / 0886002860
E: kidscre8tive@gmail.com